article image

SegWit đã lock in, nhưng câu hỏi về mức độ phân quyền của Bitcoin vẫn còn đó

Bitcoin

10/08/2017

1962

Hiện tại SegWit đã lock in, cuộc nội chiến kéo dài ba năm của Bitcoin dường như đã đến hồi kết. Tuy những vấn đề về sự gia tăng kích thước khối và về khả năng tồn tại lâu dài của Bitcoin Cash vẫn chưa có lời giải đáp - cuộc xung đột gần như đã được giải quyết.

Bước tiếp theo là kích hoạt SegWit, sẽ xảy ra trong khoảng hai tuần sau khi độ khó đào Bitcoin được đặt lại. Một khi SegWit được kích hoạt, sẽ có nhiều giao dịch vừa với mỗi khối 1 MB hơn, và việc tắc nghẽn trên mạng lưới sẽ giảm. Những cải tiến khác như lightning network sẽ có thể tiếp tục phát triển tiến đến một cuộc cách mạng của tiền tệ số.

Quay lại từ đầu

Từ những gì được hy vọng là điểm kết thúc, chúng ta hãy nhìn lại từ đầu. Thật dễ dàng để bị cuốn vào quan điểm chính trị và nghe theo ý kiến từ phía bạn đã chọn, nhưng nhìn lại quá khứ một cách khách quan và tìm kiếm những nguyên nhân thực sự của “cuộc tranh luận kích thước khối” lại khó hơn nhiều.

Vào đầu năm 2014, rõ ràng rằng sẽ có sự thay đổi mã Bitcoin để cho phép mạng lưới được mở rộng. Mạng lưới Bitcoin chỉ có thể xử lý khoảng bốn giao dịch mỗi giây, và mối quan tâm đến Bitcoin ngày càng tăng. Mặc dù chưa có giao dịch nào bị dồn lại nhưng rõ ràng là trừ khi thực hiện biện pháp giải quyết, tình trạng này cuối cùng sẽ xuất hiện.

Những người ủng hộ khối lớn vs Core

Nói chung, cộng đồng chia thành hai phe: những người ủng hộ các khối lớn hơn để có thể nắm giữ nhiều giao dịch hơn, và những người ủng hộ một giải pháp mang tính kỹ thuật hơn. Cuối cùng, các bên này được gọi là "những người ủng hộ khối lớn "những người ủng hộ "SegWit" hoặc "Core".

Tầm nhìn của Satoshi

Ban đầu khi Satoshi tạo ra Bitcoin, ông đã nhìn thấy trước một mạng lưới trong đó mọi người sẽ chạy một nút. Mỗi nút nắm giữ toàn bộ Blockchain (và phục vụ nó cho những người ngang hàng), đảm bảo rằng Blockchain là bất biến và không thể bị kiểm soát bởi bất kì một thực thể nào. Vào thời điểm đó, Blockchain rất nhỏ, và chạy một nút gần như miễn phí.

Theo thời gian, khi Bitcoin ngày càng nổi tiếng thì kích thước của Blockchain cũng tăng lên. Khi Bitcoin Blockchain phát triển, chạy một nút đầy đủ yêu cầu một máy tính với một ổ cứng lớn và nhiều băng thông internet. Vì cả không gian lưu trữ và băng thông đều đắt đỏ, một số nút tình nguyện bắt đầu bị đào thải khỏi mạng lưới.

Những khối lớn ...

Khi gặp phải những thách thức về khả năng mở rộng trong năm 2014, giải pháp của những người ủng hộ khối lớn rất đơn giản: tăng kích thước khối. Nếu mỗi khối có thể chứa nhiều dữ liệu hơn thì mạng lưới có thể xử lý nhiều giao dịch hơn tính theo giây. Nhược điểm của giải pháp này là các khối càng lớn, Blockchain cũng càng lớn.

Một Blockchain lớn hơn dẫn đến ít nút hơn (vì lưu trữ và phục vụ số lượng dữ liệu đó sẽ đắt hơn). Ít nút hơn dẫn đến phân cấp ít hơn. Những người ủng hộ khối lớn nhấn mạnh rằng điều này hoàn toàn ổn bởi vì có đủ số tình nguyện viên vẫn sẽ chạy các nút mà Bitcoin vẫn có thể giữ vững tính phân quyền.

Sự phản đối của các nhà phát triển

Hầu hết các nhà phát triển của Bitcoin Core đều nhất trí với một giải pháp khác: Segregated Witness. Giải pháp này sẽ cho phép phân chia dữ liệu và chữ ký của giao dịch. Các chữ ký có thể được "nén lại" và nhiều giao dịch có thể vừa với kích thước khối bình thường (1 MB) hơn. Về cơ bản, Core ủng hộ cho một phương thức nén dữ liệu tinh vi.

Việc nén như vậy sẽ giữ cho blockchain nhỏ hơn, cho phép nhiều nút kiểm soát nó hơn. Tuy nhiên có một số vấn đề với điều này. Trong trường hợp đầu tiên, SegWit khá phức tạp và một số thách thức trong việc thực hiện đã được dự kiến trước. Chẳng ai có thể chắc chắn là liệu nó có yêu cầu một hard fork hay soft fork hay không.

Trong trường hợp thứ hai, hầu hết các nhà phát triển Core ủng hộ SegWit đều làm việc cho một công ty tư nhân có tên là Blockstream. Nhiều người trong cộng đồng coi điều này là một sự tập trung quyền lực bởi một công ty tư nhân cố gắng tạo ra ảnh hưởng quá mức đối với một dự án phân cấp.

Phân cấp hay phân tán?

Bỏ qua nhiều vấn đề phụ, mấu chốt của cuộc tranh luận về khả năng mở rộng tập trung vào câu hỏi:

"Mức độ phân cấp bao nhiêu là đủ?"

Vấn đề là không ai biết câu trả lời cho câu hỏi đó. Sự phân cấp đã trở thành một thần chú mạnh mẽ trong cộng đồng tiền mã hóa và có vẻ như khái niệm này khá là mờ mịt. Một mạng lưới phân cấp là một mạng không được kiểm soát bởi bất kỳ một thực thể hoặc nhóm thực thể nào và cũng có thể chống lại các cuộc tấn công.

Có thể nói, hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm ngàn nút sẽ là số lượng lý tưởng, nhưng điều này không thực tế. Một mạng lưới như vậy sẽ được phân tán, chứ không phải phân cấp. Một mạng lưới phân tán là một mạng được phân cấp ồ ạt, nơi mà hầu như mọi người đều chạy một nút. Với chi phí chạy một nút, rất ít khả năng để Bitcoin trở thành mạng lưới phân tán thực sự.

Đồng thời, một dự án với một vài chục nút không thể được gọi một cách chính xác là phân cấp hoặc chống tấn công. Hiện chỉ có hơn 9200 nút phục vụ cho mạng lưới Bitcoin. Liệu nó có đủ để giữ cho dự án thực sự phân quyền? Liệu 4.000 nút có đủ tốt hay không? Và 1000 nút thì sao?

Trước khi thảo luận về những cải tiến về khả năng mở rộng khác như lightning network, cộng đồng cần đạt được sự đồng thuận với một câu hỏi căn bản nhưng rất quan trọng:

Mức độ phân quyền bao nhiêu là đủ?

Nguồn cointelegraph

tag: segwit, bitcoin

admin avatar

admin Tác giả

Yêu thích công nghệ tiền ảo và các lĩnh vực công nghệ liên quan tới blockchain. Muốn mang lại kiến thức và tin tức mới nhất tới người Việt.

Bài viên liên quan

Để lại bình luận

Địa chỉ mail của bạn sẽ không công khai. Các ô có dấu * yêu cầu bắt buộc phải điền.